Phân biệt bệnh gút, viêm khớp và thoái hóa khớp
18.08.2015, 11:05 PMBạn thích bài viết này?
Không chỉ người bệnh nhầm tưởng, trong thực tế cũng có không ít trường hợp chẩn đoán nhầm, dẫn đến nhiều người không khỏi bệnh. Sở dĩ có sự nhầm lẫn giữa bệnh gút và một số bệnh lý khác ở khớp là do chúng có những biểu hiện rất giống nhau. Ngược lại, có những trường hợp mắc bệnh gút thật sự nhưng vì biểu hiện không điển hình, giống như bệnh khớp khác nên bị chẩn đoán nhầm.
Những bệnh lý khác có biểu hiện giông giống dễ nhầm lẫn với bệnh gút, như viêm khớp dạng thấp. Đây là bệnh mãn tính, tổn thương chủ yếu ở khớp ngoại vi, với biểu hiện của bệnh là sưng nóng đỏ ở các khớp - đặc biệt là các khớp nhỏ như khớp bàn tay, ngón tay, bàn chân. Trong đó, dấu hiệu thường gặp là cứng khớp buổi sáng và có thể kéo dài trên 1 giờ. Khi bị viêm khớp dạng thấp, người bệnh không những bị giới hạn cử động hằng ngày mà còn có thể bị tổn thương các cơ quan khác như tim, phổi. Có một số bệnh lý khác gây cứng khớp buổi sáng như thoái hóa khớp, thường không kéo dài như viêm khớp dạng thấp, chỉ khoảng dưới 30 phút. Viêm khớp dạng thấp tiến triển từ từ dẫn tới teo cơ biến dạng dính và cứng khớp.
Viêm khớp dạng thấp: cứng khớp buổi sáng, đau đối xứng
Đây là bệnh tự miễn, nghĩa là tế bào miễn dịch giúp chống vi khuẩn và dọn dẹp tế bào chết tấn công các mô lành ở khớp. BS Hồ Phạm Thục Lan – Trưởng khoa Cơ xương khớp, BV Nhân dân 115 cho biết, ngoài virus, vi khuẩn, yếu tố di truyền cũng được ghi nhận làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Theo thống kê, cứ 100 người thì có ba người mắc bệnh và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi; cứ bốn người bệnh thì có ba người là nữ, thường gặp ở phụ nữ trung niên.
Biểu hiện chính của bệnh là đau, cứng khớp, làm hạn chế sự vận động của khớp, thường xảy ra vào sáng sớm sau khi ngủ dậy, kéo dài từ một-hai giờ, đôi khi cả ngày. Ngoài ra còn có hiện tượng sưng khớp có tính đối xứng, nghĩa là khớp tay này sưng, khớp tay kia cũng sưng tương tự.
Viêm khớp dạng thấp chủ yếu gặp ở nữ (chiếm 80%). Còn bệnh gút xảy ra chủ yếu ở nam giới (chiếm 90%). Bệnh gút có đặc trưng chính là tình trạng viêm cấp ở một khớp với tính chất di chuyển, khi viêm chuyển qua khớp khác thì khớp viêm cũ gần như bình thường. Trong khi viêm khớp dạng thấp là biểu hiện tình trạng viêm của nhiều khớp cùng một lúc, các khớp bị viêm có tính chất đối xứng, triệu chứng đau diễn ra từ từ, gây cứng khớp buổi sáng. Trong bệnh gút, đau rất dữ dội và kéo dài khoảng 3 - 5 ngày, bệnh có liên quan đến chế độ ăn nhiều chất đạm; còn viêm khớp dạng thấp cường độ đau nhẹ hơn nhưng dai dẳng, và ít liên quan tới chế độ ăn uống.
Nhìn chung, bệnh thường gây viêm nhiều khớp một lúc, triệu chứng đau tiến triển dần, thường gặp ở các khớp nhỏ bàn tay (cổ tay, khớp liên đốt gần bàn tay, khớp bàn – ngón tay), phối hợp với các khớp khuỷu, gối, cổ chân. Các khớp ít gặp như: khớp háng, cột sống, khớp vai, khớp ức đòn, nếu có viêm các khớp này cũng thường xảy ra ở giai đoạn muộn. Ngoài ra còn có các biểu hiện toàn thân như mệt mỏi, xanh xao, sốt, gầy sút, ăn không ngon, khô mắt và miệng, nốt cứng mọc bên dưới da bàn tay hoặc khuỷu tay, nhịp thở ngắn lại hoặc đau ngực.
Viêm khớp do thoái hóa: đau khi vận động, giảm đau khi nghỉ ngơi
Nguyên nhân do tổn thương phần sụn, đệm giữa hai đầu xương, kèm theo phản ứng viêm tại chỗ và giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn ở điểm nối giữa hai đầu xương. Triệu chứng cứng khớp do thoái hóa chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, không quá 15 phút. Vị trí thường gặp là ở cột sống thắt lưng, cột sống cổ, gối, bàn tay và khớp háng. Khớp có thể sưng và đau, nhưng khác với khớp viêm có biểu hiện đau liên tục, đau trong thoái hóa khớp gắn liền với vận động và giảm khi nghỉ ngơi, có cảm giác lạo xạo khi cử động khớp. Bệnh gắn liền với tình trạng béo phì, thừa cân và người lớn tuổi.
Gút: đau giữa đêm, đau một bên
Nguyên nhân gây bệnh gút là do rối loạn chuyển hóa axit uric, làm tăng nồng độ axit uric trong máu, dẫn đến lắng đọng tinh thể urat trong khớp và một số mô ngoài khớp như tổ chức dưới da, thận, gây viêm khớp, sỏi niệu. Đây là bệnh phổ biến ở nam giới, đặc biệt ở tuổi từ 30 – 50, có thói quen uống nhiều bia rượu, béo phì. Phụ nữ ít mắc bệnh gút, nếu có thường là những người sau mãn kinh.
Biểu hiện bệnh là cơn đau cấp thường xuất hiện đột ngột về đêm. Vị trí bắt đầu thường ở các khớp chi dưới, đặc biệt ngón trỏ bàn chân, cơn đau ngày càng dữ dội, va chạm nhẹ cũng đau, đêm đau hơn ngày. Nơi đau sưng to, phù nề, căng bóng, nóng đỏ, thường đau một bên khớp (không có sự đối xứng). Đợt viêm kéo dài khoảng vài ngày, sau đó tự khỏi. Nhưng nếu không điều trị phòng ngừa, bệnh sẽ tái diễn, khoảng cách thời gian giữa các đợt sưng đau khớp thay đổi nhưng sẽ rút ngắn dần, trong khi thời gian đau lại kéo dài ra, không còn tự khỏi như những đợt đau đầu tiên. Giai đoạn muộn, hiện tượng viêm có thể biểu hiện ở nhiều khớp, có thể đối xứng, xuất hiện những u cục ở nhiều nơi, đặc biệt quanh các khớp, được gọi là nốt tophi. Trong đợt cấp, có thể kèm theo dấu hiệu sốt cao, lạnh run, buồn nôn và nôn.
Khác với viêm khớp dạng thấp, bệnh gút liên quan đến chế độ ăn. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là bệnh thường xuất hiện sau một bữa ăn với nhiều chất đạm, protein như thịt chó, tiết canh, phủ tạng động vật, hải sản kèm uống nhiều bia, rượu. Thay đổi trong ăn uống sẽ làm giảm mức độ nặng và khởi phát của các đợt gút cấp.
Bảng phân biệt bệnh Gút - Thoái hóa khớp - Viêm khớp:
Bệnh |
Gút |
Thoái hóa khớp |
Viêm khớp |
Đối tượng |
Thường gặp ở nam giới (trên 95%), khỏe mạnh, mập mạp vào tuổi 35 đến 45. Nữ giới sau tuổi mãn kinh 5%. |
Khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65, 85% người trên tuổi 80 có nguy cơ mắc bệnh. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao hơn. |
Thường gặp ở phụ nữ tuổi trung niên (70-80%), Trên 30 tuổi gặp nhiều (60-70%) |
Nguyên nhân |
Tăng acid uric trong máu do rối loạn chuyển hóa acid uric |
Hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn ma sát ở điểm nối giữa hai đầu xương. |
Có thể do một loại virus, vi khuẩn... hoặc chưa rõ nguyên nhân |
Triệu chứng |
Đang đêm bệnh nhân thức dậy vì đau ở khớp bàn chân cái (một bên), đau dữ dội ngày càng tăng. Ngón chân sưng to, phù nề, căng bóng, nóng đỏ, xung huyết, trong khi các khớp khác bình thường. Đợt viêm kéo dài khoảng vài ngày sau đó hết viêm, khoảng 3-6 tháng sau tái phát lại. |
Cứng khớp do THK chỉ kéo dài một thời gian ngắn (ít khi quá 15 phút).
Không sưng, nóng, đỏ đau
Đau khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi. Hạn chế vận động
Thường gặp: cột sống thắt lưng, cột sống cổ, gối, háng, các ngón tay… |
Có dấu hiệu cứng khớp buổi sáng kéo dài trên một giờ. Sưng khớp có tính chất đối xứng hai bên. Viêm các khớp nhỏ ở hai bàn tay (cổ tay, bàn ngón và ngón gần), phối hợp với các khớp gối, cổ chân, khuỷ chân. |
Chuẩn đoán |
Xét nghiệm chỉ số acid uric |
Chụp X quang |
Chụp X-quang |
Điều trị |
Kiểm soát chế độ ăn Điều trị giảm acid uric trong máu. Thuốc giảm đau colchicine, NSAID |
Giảm đau Điều trị phục hồi chức năng |
Điều hòa miễn dịch Chống viêm Giảm đau Vật lý trị liệu
|
Chế độ ăn |
Hạn chế ăn thực phẩm nhiều protein. |
Ăn thức ăn giảu đạm, hạn chế mỡ. Bổ sung vitamin. |
Ăn đủ thức ăn giàu đạm |
Chủ đề trước
Tạo chủ đề mới
-
Các chỉ số xét nghiệm máu quan trọng bạn nên biết
465,325 lượt xem -
Ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm nước tiểu
67,053 lượt xem -
Vì sao bạn dễ say rượu?
55,979 lượt xem -
Cách chữa trị chuột rút hiệu quả
24,924 lượt xem -
Hơi thở tiết lộ nguy cơ ung thư dạ dày
24,386 lượt xem -
Triệu chứng chung của các bệnh về xương khớp
22,729 lượt xem