Triệu chứng chung của các bệnh về xương khớp
11.08.2015, 11:55 PMBạn thích bài viết này?
Đây là yêu cầu cấp bách nhất cần được giải quyết của bệnh nhân. Tùy theo nguyên nhân mà tính chất đau có thể khác nhau, có thể phản ánh một bệnh lý thông thường nhưng đôi khi báo hiệu một bệnh cảnh nặng nề.
Cơn đau ban ngày và cơn đau ban đêm
Trong những bệnh về xương khớp, người ta phân loại đau làm hai nhóm. Đó là đau kiểu cơ học - đau khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi và đau kiểu viêm - nghĩa là đau chủ yếu khi nghỉ ngơi, đôi khi làm bệnh nhân đang ngủ phải thức giấc vì đau.
Đau kiểu cơ học do vận động thường là triệu chứng gợi ý của các bệnh do thoái hóa hay do chấn thương, thường xuất hiện vào ban ngày, khi người bệnh cử động. Bệnh nhân càng sử dụng phần cơ thể bị bệnh (làm việc, tập thể dục không phù hợp, xoa bóp quá mức) thì lại càng thấy đau hơn.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể có cảm giác đơ cứng vùng tay chân bị bệnh sau khi nghỉ ngơi một khoảng thời gian, nhưng triệu chứng cứng khớp thường không kéo dài quá nửa giờ.
Những bệnh xương khớp thường gặp gây đau kiểu cơ học là loãng xương và biến chứng (gãy xương), hoại tử xương, thoái hóa khớp, bệnh lý gân và dây chằng, hội chứng loạn dưỡng đau (giai đoạn loãng xương).
Còn đau kiểu viêm thường xuất hiện vào giữa đêm, nhất là khi gần sáng. Đối với dạng bệnh tiến triển nặng cơn đau có thể kéo dài suốt ngày đêm. Do cơn đau không thuyên giảm khi bệnh nhân nằm nghỉ và đau thường xuyên khiến bệnh nhân mệt mỏi, mất ngủ, thậm chí bị stress.
Đi kèm với triệu chứng đau còn có các biểu hiện của hiện tượng viêm là các dấu hiệu sưng – nóng – đỏ. Bệnh nhân còn có thể có triệu chứng cứng khớp vào sáng sớm, khi thức dậy và kéo dài nhiều giờ. Đây thường là biểu hiện của tình trạng viêm khớp cấp tính hoặc mãn tính.
Cần lưu ý là những cơn đau dữ dội về đêm, đôi khi không thuyên giảm dù cho đã được điều trị tích cực có thể là biểu hiện của bệnh lý ác tính. Những bệnh xương khớp thường gặp gây đau kiểu này là nhiễm trùng xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng, viêm khớp do gout, thấp khớp cấp, hội chứng loạn dưỡng đau (giai đoạn phù).
Cách điều trị triệu chứng phổ biến nhất là người bệnh hay dùng thuốc giảm đau thông thường và thuốc kháng viêm hoặc corticoid. Cần thận trọng trong việc sử dụng mọi loại thuốc đối với những người có tiền căn bệnh dị ứng, hen suyễn, bệnh mãn tính về tim mạch, thận, gan, phụ nữ có thai hay đang cho con bú.
Corticoid là loại thuốc có tác dụng chống viêm mạnh, nhanh và được bác sĩ chỉ định sử dụng trong những trường hợp đặc biệt. Một số tác dụng bất lợi của nhóm thuốc này là gây viêm loét dạ dày, lệ thuộc thuốc, bệnh Cushing và loãng xương do người bệnh sử dụng trong thời gian kéo dài đưa đến xương giòn và dễ gãy...
Tuy nhiên, trong một số bệnh lý hay giai đoạn bệnh lý nào đó, vẫn cần phải sử dụng corticoid. Do vậy, nhóm thuốc corticoid được khuyến cáo chỉ được dùng với sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Chú ý cả triệu chứng “không đau”
Những cơn đau cấp tính dưới 12 tuần và đau mãn tính kéo dài trên 12 tuần. Trong thực tế, vẫn thường gặp các thể bệnh phối hợp gây rất nhiều khó khăn cho thầy thuốc trong việc chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh đó, cũng có những thể bệnh gây hủy hoại rất nhiều về mặt cấu trúc và chức năng của xương khớp, nhưng do bệnh nhân bị mất hay giảm cảm giác nên không nhận biết được.
Do đó triệu chứng “không đau” lại là dấu hiệu đặc biệt mà cần nhận biết để phát hiện bệnh và xử trí kịp thời nhằm tránh làm nặng thêm các thương tổn.
Khi xảy ra một cơn đau cấp tính ở một vùng cơ xương nào đó, việc đầu tiên người bệnh nên làm là nghỉ ngơi, tránh cắt lể. Một số người có thói quen sử dụng lại những đơn thuốc cũ hay đơn thuốc của một người khác có triệu chứng bệnh tương tự, đưa đến việc vào viện trễ, bị những biến chứng nặng hay phản ứng phụ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không nên sử dụng lại nhiều lần một đơn thuốc hoặc tự trị liệu theo kinh nghiệm. Khi bị đau, người bệnh có thể tự mình sử dụng một vài biện pháp và một vài loại thuốc thông dụng để giải quyết tạm thời nếu là một người khỏe mạnh và không có bệnh lý gì đặc biệt kèm theo.
Sau 3 ngày vẫn không thấy bệnh thuyên giảm hay chỉ giảm rất ít, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí thích hợp. Còn những biện pháp nhằm điều trị triệu chứng là cho khớp nghỉ ngơi, tập luyện phù hợp tùy theo bệnh lý và giai đoạn bệnh, vật lý trị liệu (xoa bóp, các bài tập thụ động và chủ động, xung điện)... Bệnh nhân còn có thể dùng các vật dụng hỗ trợ như gậy, nạng, đai... và có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh / Người Lao Động
(Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - TPHCM)
Chủ đề trước
Tạo chủ đề mới
-
Các chỉ số xét nghiệm máu quan trọng bạn nên biết
465,325 lượt xem -
Ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm nước tiểu
67,050 lượt xem -
Vì sao bạn dễ say rượu?
55,979 lượt xem -
Cách chữa trị chuột rút hiệu quả
24,921 lượt xem -
Hơi thở tiết lộ nguy cơ ung thư dạ dày
24,384 lượt xem -
Triệu chứng chung của các bệnh về xương khớp
22,727 lượt xem