Ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm nước tiểu
04.07.2016, 04:03 PMBạn thích bài viết này?
Mục đích của việc xét nghiệm nước tiểu nhằm:
- Kiểm tra một bệnh hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Các triệu chứng của nhiễm trùng nước tiểu có thể bao gồm thay đổi màu sắc hoặc mùi nước tiểu xấu, đau khi đi tiểu, đi tiểu khó, đau sườn, máu trong nước tiểu (tiểu máu), hoặc sốt.
- Để theo dõi điều trị các bệnh như tiểu đường, sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), bệnh cao huyết áp (tăng huyết áp), hoặc một số bệnh thận hoặc gan.
- Là một phần của một cuộc kiểm tra thể chất thường xuyên
Dưới đây là các chỉ số thông thường trong xét nghiệm nước tiểu bao gồm tên, ý nghĩa và giới hạn cho phép của từng chỉ số bạn có thể tham khảo.
1. LEU: BẠCH CẦU
- Bình thường âm tính;
- Chỉ số cho phép: 10-25 Leu/UL.
- Khi nước tiểu có chứa bạch cầu có thể đang bị nhiễm khuẩn hoặc nấm (có giá trị gợi ý nhiễm trùng tiểu chứ không khằng định được). Trong quá trình chống lại các vi khuẩn xâm nhập, một số hồng cầu đã chết và thái ra đường tiểu. bạn cần xét nghiệm nitrite để xác định vi khuẩn gây viêm nhiễm.
2. NIT (NITRITE)
- Chỉ số bình thường: Âm tính
- Thường dùng để chỉ tình trạng nhiễm trùng đường tiểu.
- Bình thường âm tính.
- Vi khuẩn gây nhiễm trùng đường niệu tạo ra 1 loại enzyme có thể chuyển nitrate niệu ra thành nitrite. Do đó nếu như tìm thấy nitrite trong nước tiểu có nghĩa là có nhiễm trùng đường niệu. Nếu dương tính là có nhiễm trùng, nhất là loại E.Coli.
- Cả 02 xét nghiệm nước tiểu có Nitrite dương tính kết hợp với bạch cầu dương tính dùng chẩn đoán nhiễm trùng tiểu có độ nhạy 30% và độ đặc hiệu 90%. Nghĩa là 100 bệnh nhân nhiễm trùng tiểu khi xét nghiệm có Nitrite và bạch cầu dương tính chỉ có 30%. Do vậy xét nghiệm này chỉ mang tính hỗ trợ trong chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu.
3. GLU (GLUCOSE):
- Chỉ số bình thường: < 0.84 mmol/L
- Dấu hiệu hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường.
- Bình thường không có, hoặc có thể có ở phụ nữ mang thai
- Là một loại đường có trong máu . Bình thường thì trong nước tiểu sẽ không có hoặc có rất ít glucose. Khi đường huyết trong máu tăng rất cao, chẳng hạn như đái tháo đường không kiểm soát thì đường sẽ thoát ra nước tiểu. Glucose cũng có thể được tìm thấy bên trong nước tiểu khi thận bị tổn thương hoặc có bệnh.
- Nếu bạn dùng nhiều thức ăn ngọt trước khi xét nghiệm, sự xuất hiện của hàm lượng glucose trong nước tiểu là điều bình thường. Nhưng nếu lượng đường ở lần xét nghiệm thứ hai cao hơn lần đầu, đây là dấu hiệu cảnh báo bạn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Nếu có kèm các chứng mệt mỏi, luôn khát nước, sụt cân, bạn nên đến bác sĩ để được kiểm tra.
Trong bệnh Đái tháo đường thường xuất hiện đường trong nước tiểu nhưng không dùng để chẩn đoán. Chúng ta biết rằng ngưỡng đường của thận 180 mg/dl, nghĩa là khi đường huyết > 180mg/dl thì mới xuất hiện đường trong nước tiểu. Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường khi đường huyết tương lúc đói >126 mg/dl. Như vậy nếu dùng đường niệu để chẩn đoán thì bỏ sót một lượng lớn bệnh nhân có đường huyết lúc đói nằm trong khoảng 126 – 180 mg/dl.
4. BLD (BLOOD): HỒNG CẦU
– Dấu hiệu cho thấy có nhiễm trùng đường tiểu, sỏi thận, hay xuất huyết từ bàng quang hoặc bướu thận.
– Bình thường không có.
– Viêm, bệnh, hoặc tổn thương thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo có thể làm máu xuất hiện trong nước tiểu.
5. PRO (PROTEIN): Đạm
- Chỉ số bình thường: < 0.1 g/L
- Dấu hiệu cho thấy có bệnh lý ở thận, có máu trong nước tiểu hay có nhiễm trùng.
- Bình thường không có.
- Đạm niệu dương tính là chỉ điểm của rất nhiều bệnh tật như hội chứng thận hư, viêm vi cầu thận cấp, bệnh thận đa nang, viêm đài bể thận, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng… Trong thực hành lâm sàng thường gặp phát hiện đạm niệu trên bệnh nhân đái tháo đường hay tăng huyết áp. Đây là yếu tố nguy cơ tại thận và nguy cơ tim mạch được xác định, nếu có chế độ điều trị thích hợp sẽ làm chậm quá trình tiến tới bệnh thận giai đoạn cuối.
6. BIL (BILLIRUBIN)
- Bình thường không có.
- Dấu hiệu cho thấy có bệnh lý ở gan hay túi mật.
- Đây là sản phẩm được tạo thành từ sự thoái hóa của hồng cầu. Nó đi ra khỏi cơ thể qua phân. Billirubin bình thường không có trong nước tiểu. Nếu như Billirubin xuất hiện trong nước tiểu nghĩa là gan đang bị tổn thương hoặc dòng chảy của mật từ túi mật bị nghẽn.
7. KET (KETONE)
- Bình thường không có.
- Dấu hiệu hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát , chế độ ăn ít chất carbohydrate, nghiện rượu, nhịn ăn trong thời gian dài.
8. SG (SPECIFIC GRAVITY): TỶ TRỌNG
- Chỉ số bình thường: 1.015 – 1.025- Phản ánh tình trạng cô đặc hay pha loãng nước tiểu của thận. Tỷ trọng thường tỷ lệ nghịch với lượng nước tiểu ngoại trừ các trường hợp sau:
- Tăng huyết áp: Lượng nước tiểu bình thường nhưng tỷ trọng giảm.
- Đái tháo đường: Lượng nước tiểu tăng, tỷ trọng tăng.
Tình trạng giảm tỷ trọng kéo dài chứng tỏ mất khả năng cô đặc nước tiểu của thận, thường gặp trong suy thận mạn.
9. pH
- Chỉ số bình thường: 4.8 – 7.4
- Đánh giá độ acid của nước tiểu.
- Dùng để kiểm tra nước tiểu có tính acid hay bazơ. pH=4 có nghĩa là nước tiểu có tính acid mạnh, pH=7 là trung tính (không phải acid, cũng không phải bazơ) và pH=9 có nghĩa là nước tiểu có tính bazơ mạnh.
Đánh giá tình trạng toan kềm của nước tiểu. PH nước tiểu bình thường trung bình bằng 7. Tình trạng quá toan hay quá kềm dễ hình thành sỏi tiết niệu. PH cũng bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn. Người ăn chay thường có PH kềm vì thực phẩm có nhiều citrate biến đổi thành bicarbonate. Ngược lại người ăn nhiều thịt động vật thường có PH axít vì thịt động vật có nhiều axít hữu cơ.
PH kềm + mùi khai thường gặp trong nhiễm trùng tiểu vì có một số chủng loại vi khuẩn tiết men urease phân hủy urea thành NH3. Nước tiểu kềm dễ làm các gốc phosphate kết tủa. Sự kết tủa này cùng với NH3 và Mg tạo thành sỏi struvite gây cảng quang.
PH axít dễ làm axít uric kết tủa tạo sỏi và loại sỏi này không cảng quang.
10. UBG (UROBILINOGEN)
- Chỉ số bình thường: < 16.9 µmol/L
- Dấu hiệu cho thấy có bệnh lý ở gan hay túi mật.
- Bình thường không có.
- Đây là sản phẩm được tạo thành từ sự thoái hóa của bilirubin. Nó cũng được thải ra ngoài cơ thể theo phân. Chỉ có một lượng nhỏ Urobilinogen có trong nước tiểu. Urobilinogen có trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của bệnh về gan (xơ gan, viêm gan) làm dòng chảy của dịch mật từ túi mật bị nghẽn.
Trước khi tiến hành xét nghiệm nước tiểu bạn cần lưu ý:
1. Lấy mẫu nước tiểu:
- Nước tiểu thay đổi liên tục trong ngày và chịu ảnh hưởng bởi vận động, chế độ ăn nên lý tưởng nhất là lấy vào thời điểm sáng sớm.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi lấy nước tiểu.
- Không chạm tay của bạn vào bên trong lọ.
- Làm sạch khu vực xung quanh bộ phận sinh dục của bạn.
- Sau khi nước tiểu chảy trong vài giây, nước tiểu thành dòng đặt lọ chứa vào và thu thập khoảng 60 ml nước tiểu "giữa dòng", dòng chảy của nước tiểu vẫn không dừng lại.
- Không chạm vành lọ vào vùng sinh dục của bạn. Không được thu thập giấy vệ sinh, lông mu, phân, máu kinh nguyệt, hoặc bất cứ điều gì khác trong mẫu nước tiểu.
- Kết thúc đi tiểu, bạn cẩn thận đậy chặt nắp trên lọ và sau đó mang lọ nước tiểu trở về phòng thí nghiệm. Nếu bạn thu thập nước tiểu ở nhà, bạn mang đến các phòng thí nghiệm trong vòng một giờ và trong điều kiện mát.
- Mẫu nước tiểu sau khi lấy phải vận chuyển ngay đến phòng xét nghiệm vì để lâu (thường sau 01 giờ) sẽ đưa đến các biến đổi sau làm ảnh hưởng đến kết quả:+ Tăng độ pH: Do sự biến đổi ure thành amoniac của một số vi khuẩn tạo men urease.
+ Giảm glucose: Do sự ly giải glucose và vi khuẩn hiện diện trong nước tiểu sử dụng đường.
+ Giảm thể keton: Do bay hơi.
+ Giảm bilirubin: Do tiếp xúc với ánh sáng.
+ Giảm urobilinogen: Do sự oxy hóa của urobilinogen thành urobilin
+ Tăng nitrite: Do sự biến đổi nitrate thành nitrite của một số vi khuẩn.
2. Chế độ ăn
- Không ăn các loại thực phẩm có thể làm nước tiểu có màu, chẳng hạn như quả mâm xôi, củ cải đường, và đại hoàng, trước khi thử nghiệm.
Chủ đề trước
Tạo chủ đề mới
-
Các chỉ số xét nghiệm máu quan trọng bạn nên biết
465,325 lượt xem -
Ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm nước tiểu
67,051 lượt xem -
Vì sao bạn dễ say rượu?
55,979 lượt xem -
Cách chữa trị chuột rút hiệu quả
24,921 lượt xem -
Hơi thở tiết lộ nguy cơ ung thư dạ dày
24,384 lượt xem -
Triệu chứng chung của các bệnh về xương khớp
22,728 lượt xem