Những điều cần ghi nhớ khi ăn cua đồng
31.08.2016, 04:49 PMBạn thích bài viết này?
1. Tuyệt đối không nên ăn cua chết!
Cua có tính lạnh, không nên ăn hằng ngày. Khi ăn cua cần lưu ý, chọn cua sạch, còn sống. Cua chết không những làm mùi vị của món ăn kém thơm ngon mà còn sinh ra độc tố có hại rất nguy hiểm. Trong cua có rất nhiều loại dinh dưỡng, trong đó có axit amin histidine. Khi cua chết, hoạt chất này sẽ biến đổi thành chất độc histamine gây dị ứng hệ miễn dịch khiến người ăn dễ bị ngộ độc, đau bụng, nôn mửa, choáng váng, tức ngực, ngạt thở. Cua chết càng lâu thì lượng histidine càng nhiều, nguy cơ ngộ độc sẽ cao hơn.
2. Không nên mua cua xay sẵn
Theo TS Phan Thanh Tâm (Viện Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) nếu trong môi trường nước bẩn, cua rất dễ bị vắt, sán, đỉa sống ký sinh. Đặc biệt phần mai cua là nơi vắt, sán, đĩa… trú ẩn. Không chỉ có vắt, sán, rất có thể trong thịt hoặc thân cua còn có trứng giun sán, ấu trùng bám vào. Vì thế, chúng ta cần tuân thủ quy tắc ăn chín uống sôi, vệ sinh tay chân sạch sẽ khi nấu nướng, tránh để những loại ấu trùng, trứng này đi vào cơ thể, sống ký sinh ở ruột, cơ bắp, não, mắt… rất nguy hiểm.
Trong quá trình sơ chế, cần rửa cua qua nhiều nước, ngoáy thật kỹ nước để cua thật sạch. Khi làm cua, nên cho thêm một chút muối vào ngâm để vắt, sán bò ra.
Cua xay sẵn ngoài hàng do không được làm sạch cẩn thận thậm chí có cả cua chết nên tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe.
3. Ăn cua sống
Không được uống nước cua giã để trị bệnh hoặc ăn cua chưa nấu chín dễ nhiễm ấu trùng giun sán, đặc biệt là sán lá phổi. Rất nhiều vùng của Việt Nam có thói quen giã nát vỏ cua đắp lên vết thương hay dùng thịt cua sống để làm gỏi. Điều này là vô cùng nguy hiểm bởi trong thịt cua có chứa nang trùng hút máu phổi và loại sán lá gây bệnh. Khi hai loại vi trùng này xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm cũng như các biến chứng khó lường, thậm chí là tử vong.
4. Đun nấu nhiều lần
Tốt nhất khi chế biến cua nên sử dụng hết một lần, không nên để lâu dễ sinh ôi thiu hoặc nấu đi nấu lại sẽ mất nhiều dinh dưỡng mà còn có thể biến dưỡng, gây độc. Cua đã sơ chế sẵn để dùng dần không nên để ngăn mát, có thể bảo quản trên ngăn đá, cần được gói cẩn thận và không để quá 1 tuần.
5. Không uống trà, ăn quả hồng ngay khi ăn cua
Trong và sau khi ăn cua khoảng một giờ không nên uống trà, vì nước trà có thể làm loãng acid trong dạ dày. Khi vào cơ thể trà sẽ làm cho một số thành phần của cua bị đóng đặc lại, không có lợi cho tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng khác, thậm chí còn dẫn đến đau bụng đi ngoài.
Không nên ăn cua cùng quả hồng, vì chất tannin và các thành phần khác trong quả hồng có thể làm cho protein trong thịt cua rắn lại, chất rắn đó lâu dần sẽ lưu lại trong ruột rồi lên men và thối rữa, có thể gây buồn nôn, đau bụng, đi ngoài. Nặng hơn nữa, những chất đó còn có thể kết thành sỏi rất nguy hiểm cho sức khỏe.
6. Những ai không nên ăn cua đồng?
- Phụ nữ có thai: Theo BS Hoàng Xuân Long, chuyên viên cao cấp Bộ Y tế cho biết, theo Đông y, phụ nữ có thai không nên ăn cua đồng vì trong cua đồng có chất có tác dụng phá khối u, tống xuất khối cục tồn đọng. Thai nhi có tính chất như một khối cục nên ăn nó có tác dụng đẩy thai, gây sẩy hoặc sinh non. Còn lương y Nguyễn Văn Quảng, Hội Đông y Việt Nam cho hay, y học cổ truyền khuyên phụ nữ có thai hạn chế ăn cua bởi theo quan niệm của Đông y, cua đồng có vị mặn, tính hàn, hơi độc, hoạt huyết là thuốc để chữa chứng đau ngã, sưng, làm tan máu kết cục… nên người có thai yếu, hay sẩy thai không nên ăn vì sợ ảnh hưởng tới thai nhi.
- Người bị cảm lạnh, tiêu chảy: Cua tính hàn, dễ gây đau bụng, tiêu chảy.Bởi vậy, với người tỳ vị hư hàn không nên ăn nhiều cua, nếu ăn mà xuất hiện các triệu chứng trên, có thể dùng bài thuốc tía tô (15g) phối hợp với sinh khương (gừng tươi).
- Người bị gút: Cua đồng cũng chứa nhiều sodium và purines nên không thích hợp cho người bị bệnh gút. Hơn nữa hàm lượng protein trong cua đồng rất cao, điều này khiến bệnh gout chuyển biến trầm trọng thêm. Ngoài ra do cua có tính hàn làm cho các chỗ sưng bị bệnh, dễ bị nhiễm lạnh, phát bệnh gây đau nhức, sưng tấy… làm bệnh trầm trọng hơn.
- Người mới ốm dậy: Người đau ốm mới khỏe, hệ thống tiêu hóa còn yếu cũng không nên ăn.
- Người bị dị ứng: Một số người dễ bị dị ứng với cua, sau khi ăn nổi mề đay khắp người, có thể xử trí bằng phương thuốc Nam gồm: hoàng bá 16g, tía tô 12g, ngân hoa 10g, liên kiều 10g,kinh giới12g, sài hồ 12g, đinh lăng 16g, cành châu 16g, cam thảo đất 16g, cỏ mần trầu 12g, cát căn 16g, rau má 16g, bạch thược 12g, chi tử 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần. Tác dụng: chống dị ứng, giải độc, trừ tà.
- Người có huyết áp cao: Gạch cua có nhiều cholesterol, nên người có tiền sử bệnh huyết áp cao, tim mạch cần hạn chế dùng.
- Người bị hen: Vốn có tính hàn nên hạn chế sử dụng cua đồng cho những người hay bị nhiễm lạnh, dính gió, đặc biệt là bị ho hen và cảm cúm. Vì tính hàn sẽ làm cho cơn hen trở nên nặng hơn, khó thở và ho liên tục. Tuy nhiên vẫn có thể dùng hạn chế chứ không cần phải kiêng khem tuyệt đối.
Nguồn: Tổng hợp
Chủ đề trước
Tạo chủ đề mới
-
Các chỉ số xét nghiệm máu quan trọng bạn nên biết
465,289 lượt xem -
Ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm nước tiểu
67,009 lượt xem -
Vì sao bạn dễ say rượu?
55,915 lượt xem -
Cách chữa trị chuột rút hiệu quả
24,887 lượt xem -
Hơi thở tiết lộ nguy cơ ung thư dạ dày
24,331 lượt xem -
Triệu chứng chung của các bệnh về xương khớp
22,676 lượt xem